Kiến nghị không đưa các phương pháp định giá đất vào Luật Đất đai

Kiến nghị này được đưa ra và nhận sự đồng tình của đa số đại biểu dự cuộc họp chiều 24/7 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo quy định hiện hành, giá đất được xác định theo một trong 5 phương pháp, như so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Các bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây cũng nêu các phương pháp xác định giá đất này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, các đại biểu đồng tình với kiến nghị không đưa các phương pháp định giá đất vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Thay vào đó, căn cứ vào các trường hợp cụ thể sẽ áp dụng phương pháp phù hợp, đảm bảo xác định giá trị đất đai sát thực tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai đầy đủ để đảm bảo định giá đất chính xác. Trong đó bà Ngọc lưu ý tham khảo kinh nghiệm những nước có chế độ đất đai tương đồng với Việt Nam.

“Cần có quy định rõ ràng với việc giao quyền sử dụng đất cho dự án theo hình thức đấu giá, đấu thầu hay thỏa thuận để các địa phương triển khai thuận lợi”, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói.

Nêu quan điểm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những vấn đề chưa đưa vào luật, nhưng thực tiễn đặt ra thấy cần thiết thì “mạnh dạn nghiên cứu, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị”. Mục tiêu cuối cùng, ông Hà nói, là có một đạo luật mang tính thực tiễn, sức sống và tầm nhìn.

“Việc áp dụng các phương pháp định giá tùy thuộc vào từng trường hợp, tình huống khác nhau. Tuy nhiên, nếu số liệu đầu vào chính xác, áp dụng phương pháp nào cũng sẽ cho ra kết quả như nhau”, Phó thủ tướng nói.

Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định về mặt nguyên tắc, với định giá đất đai để phù hợp với giá trị thị trường và khách quan nhất.

Ông lưu ý, cần xác định một số chỉ tiêu đất đai quan trọng, mang tính ổn định như đất lúa, đất rừng, khu vực bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa. Còn những chỉ tiêu do thị trường, sẽ phân cấp cho địa phương. Tức là, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai sẽ vừa tĩnh, vừa động.

Bên cạnh đó, các quy hoạch quốc gia, sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm thống nhất. Đơn cử, quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ với quy hoạch giao thông, xây dựng đô thị để định hướng phát triển đô thị dựa vào các hướng tuyến giao thông.

Về đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, lãnh đạo Chính phủ nói cần đổi mới tư duy, tiếp cận theo hướng tính toán giá trị tổng thể của dự án mang lại cho xã hội chứ không chỉ là số tiền thu được sau khi đấu giá. Bởi, cùng một khu đất nhưng đấu thầu, đấu giá để xây công trình văn hóa, bệnh viện, trường học không thể giống như dự án nhà ở, trung tâm thương mại.

Quy trình, thủ tục thu hồi đất, tái định cư cũng cần chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi trên cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 10. Là dự thảo luật quan trọng, nên Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói, các cơ quan, bộ ngành sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật này đến “phút cuối cùng”.

Anh Minh

Xin mời đánh giá