Loạt dự án nghìn tỷ tăng lợi thế cho thành phố Dĩ An

Dĩ An vừa trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương chỉ sau hơn ba năm được công nhận thành phố. Với lợi thế là cửa ngõ tiếp giáp TP Thủ Đức (TP HCM) và TP Biên Hòa (Đồng Nai), đô thị trẻ Dĩ An có nhiều điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Đô thị bất động sản này từ vùng đất còn nhiều khó khăn, nhanh chóng chuyển mình, thành trung tâm kinh tế, chính trị mũi nhọn của tỉnh Bình Dương.

Do tiếp giáp với TP Thủ Đức, Dĩ An có lợi thế trong việc chuyển dịch tăng tỷ trọng ngành dịch vụ – công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong đó bất động sản giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,54% mỗi năm; giá trị thương mại – dịch vụ tăng bình quân 36,4%; 100% các tuyến đường do thành phố quản lý được nhựa hóa; các tuyến đường phường quản lý đạt trên 80% bê tông, nhựa hóa.

Theo UBND TP Dĩ An, trong tương lai gần, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đi qua địa phương quy mô lớn sẽ được triển khai như: Vành đai 3 TP HCM, nút giao Tân Vạn, bến xe miền Đông, khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM… Các dự án này sẽ giúp địa phương thành nơi kết nối vùng, trung tâm thương mại dịch vụ tầm cỡ khu vực phía Nam.

Nút giao Sóng Thần là một trong những dự án kỳ vọng kết nối khu vực trung tâm TP Dĩ An với TP Thủ Đức với dạng cầu vượt qua đường sắt và kết nối đại lộ Độc Lập qua đường An Bình. Nút giao có đường nhánh kết nối với quốc lộ 1A hướng cầu vượt Sóng Thần và Linh Xuân. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 2.400 tỷ đồng (Bình Dương chi hơn 1.900 tỷ đồng, số còn lại do TP HCM chi).

Ngoài ra, gần nút giao Sóng Thần, Bình Dương còn nâng cấp mở rộng đường An Bình dài gần 1,4 km, từ cầu vượt Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương) và kết thúc ở đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP HCM) với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, phần đường thuộc tỉnh Bình Dương dài gần 1,1 km, kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.

Cuối tháng 6 vừa qua, Bình Dương khởi công dự án Vành đai 3 TP HCM dài 26,6 km với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng. Đây là dự án thành phần tiếp theo kết nối hai đoạn đi qua TP HCM (hơn 47 km) và Đồng Nai (hơn 11 km). Trong đó, đoạn nút giao Tân vạn qua TP Dĩ An dài 2,7 km là một trong nút giao quan trọng bậc nhất của dự án này. Khi nút giao hoàn thành sẽ mở ra giao thương kết nối giữa Vành đai 3 TP HCM và Quốc lộ 1 qua khu vực tứ giác kinh tế TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với Sân bay quốc tế Long Thành và Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải.

Cùng với Vành đai 3, tháng trước, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua nghị quyết đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 với tổng kinh phí hơn 18.000 tỷ đồng để kết nối tỉnh này với Đồng Nai và TP HCM trong giai đoạn 2023-2026. Tổng chiều dài dự án khoảng 47 km, đầu tư theo hình thức PPP. Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp kết nối hàng hóa với các tuyến đường hiện hữu.

Ngoài các dự án giao thông đường bộ, UBND Bình Dương cũng vừa họp bàn với TP HCM để kéo dài tuyến đường sắt trên cao Metro về TP Dĩ An, từ đó kéo lên TP Thủ Dầu Một. Tỉnh này cũng đang lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An dài 42 km với 34.3000 tỷ đồng theo hình thức PPP. Đây là tiền đề kết nối đường sắt từ TP Dĩ An đến Phước Tân (TP Biên Hòa) – nút giao có tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu dài 83 km, điểm dừng cuối là cảng Cái Mép – Thị Vải, tổng đầu tư 50.000 tỷ đồng.  Loạt dự án bất động sản lớn được đánh giá giúp Dĩ An thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư về thương mại, dịch vụ, đặc biệt là các dự án nhà ở để đón đầu một tầng lớp tri thức trẻ, giới văn phòng mới của đô thị trẻ.

Song song với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố cũng đang thay đổi. Toàn thành phố có 19 cơ sở y tế công lập và tư nhân, với tổng số 626 giường; 41 trường học các cấp từ mầm non đến THPT, 200 hecta công viên cây xanh.

Ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP Dĩ An cho biết, chỉ tính riêng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 132.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất các ngành Công nghiệp đạt trên 136.000 tỷ đồng. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 33,06 m2 (kế hoạch là 27 m2).

Ông Hồng cho rằng việc được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II, người dân TP Dĩ An sẽ được hưởng nhiều chỉ số về phát triển đô thị, nhà ở, y tế giáo dục… chất lượng hơn. Nhiều dự án chung cư, khu đô thị cũng được các nhà đầu tư quan tâm triển khai, tạo ra quỹ nhà ở cho người dân không chỉ tại Bình Dương, mà cả khu lân cận từ TP HCM, Đồng Nai…

Phát biểu tại buổi buổi công bố Dĩ An lên đô thị loại II hồi tháng 4, ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao thành phố trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian ngắn. Quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần đưa Dĩ An trở thành đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp.

Phước Tuấn – Hoài Phương

Xin mời đánh giá